Nội dung bài viết
Tóm tắt thị trường: Yên Nhật, USD/JPY, BOJ, can thiệp tỷ giá
Đồng Yên Nhật đã tăng 1,08% so với Dollar Mỹ vào ngày thứ Tư, đây là một nhịp tăng đáng chú ý do JPY vốn dĩ đã mất giá liên tục kể từ năm 2021. Vậy nguyên nhân đằng sau là gì? Tin tức trên các phương tiện truyền thông ghi nhận rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra tỷ giá, từ đó hé lộ khả năng BoJ can thiệp thị trường tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 1998. Giới trader đã bị “hù dọa” đến hoảng sợ bởi động thái này. Nhưng thực sự các trader có nên hoảng sợ vì điều này hay không?
Trước sự kiện này, nhiều quan chức chính phủ và nhà quản lý chính sách tiền tệ của Nhật Bản đã đưa ra những bình luận về đồng JPY. Lời nói gió bay, và hiện nay họ chỉ nói chứ chưa làm. Đến cuối cùng, BoJ vẫn đang đứng ở lập trường chính sách rất khác so với các ngân hàng trung ương khác. Ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn tiếp tục thực hiện chính sách cực kỳ nới lỏng, tức là để cho lãi suất ở mức âm, vẫn tiếp tục nới lỏng định lượng và kiểm soát đường cong lợi suất.
Trong khi đó, hầu như mọi ngân hàng trung ương lớn khác đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự khác biệt ngày càng tăng giữa nhóm nhà băng này và ngân hàng trung ương Nhật Bản chính là nguyên nhân tạo nên sức ép đè nặng lên đồng Yên Nhật. Biểu đồ chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Nhật Bản và các nước khác cũng vạch ra bức tranh toàn cảnh của câu chuyện này. Động thái tăng giá của JPY vào hôm thứ Tư có thể được coi là kết quả từ việc can thiệp “bằng miệng” của các quan chức BoJ hòng kìm hãm đà giảm của đồng Yên.
Điều thú vị là động thái “uốn lưỡi” can thiệp này cũng là một dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ giữ nguyên chính sách nới lỏng. Cựu quan chức hội đồng quản trị Goushi Kataoka cho rằng BoJ có thể thay đổi chính sách sớm nhất là vào giữa năm sau. Có vẻ như trong quãng thời gian đệm này, chính phủ Nhật Bản có thể phải sử dụng các biện pháp khác để giúp giữ vững giá trị đồng Yên.
Xét trong quá khứ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không phải lúc nào cũng thành công với việc can thiệp tỷ giá. Từ khoảng tháng 01/1999 đến tháng 04/2000, ngân hàng trung ương này đã can thiệp bằng cách bán đồng Yên ít nhất 18 lần (với sự trợ giúp của Fed và ECB một lần) để ngăn chặn đà tăng của đồng Yên. Đồng JPY ấy vậy mà vẫn cứ tăng. Đó là một ví dụ về thời điểm đồng Yên tăng giá trị quá mạnh, nhưng đã là ngân hàng trung ương thì họ cần phải có uy tín mới thực thi hiệu quả các chiến lược đề ra.
Trên biểu đồ hàng ngày, USD/JPY đang men theo đường xu hướng tăng ngắn hạn bắt đầu từ tháng 8. Tín hiệu phân kỳ âm trên chỉ báo RSI đã xuất hiện, cho thấy đà tăng đang yếu dần. Trong trường hợp đó, USD/JPY có khả năng đảo chiều giảm. Một khi giá phá xuống dưới đường xu hướng này thì phe bán có thể hướng về Đường trung bình động đơn giản (SMA) 100 ngày. Đường SMA 100 có thể củng cố lực cầu trở lại. Còn nếu không, khi giá đột phá mức 144,99 thì phe mua sẽ nhắm đến mức đỉnh năm 1998 tại khu vực 147,65.
Đăng Khoa – Theo dailyfx.com
Nhận xét bị đóng