Nội dung bài viết
Tóm tắt tình hình đồng yên Nhật, USD/JPY, BOJ, và triển vọng kỹ thuật
Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương đang có xu hướng mở cửa trái chiều khi lợi suất trái phiếu tăng cao hơn ở Mỹ, gây ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư toàn cầu. Phiên giao dịch trên Phố Wall không mang lại nhiều hy vọng cho các trader. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8% vào ngày thứ Năm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, nhưng trái phiếu càng dài hạn càng tăng mạnh, qua đó rút ngắn chênh lệch lợi suất giữa kỳ hạn 10 năm và 2 năm xuống khoảng -38 điểm cơ bản. Trên quan điểm hiện tại của thị trường chung, mặc dù xu hướng thắt chặt tiền tệ dường như đã chạm đỉnh, thể hiện qua trong các hợp đồng giao dịch hoán đổi chỉ số qua đêm và hợp đồng tương lai lãi suất quỹ Liên bang, nhưng những bình luận diều hâu từ một số thành viên FOMC đã khiến các nhà đầu tư chứng khoán e dè.
Đồng Bảng Anh tăng lên sau khi có tin Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức, nhưng nhịp tăng ban đầu đã bị kéo tuột trở lại và GBP/USD gần như không thay đổi ngay sau tiếng chuông đóng cửa tại thị trường New York. Tân Thủ tướng Anh có thể sẽ được nêu tên ngay sau ngày thứ Hai, trong đó danh sách những người dẫn đầu là ông Boris Johnson, cựu Thủ tướng vừa bị lật đổ và ông Rishi Sunak, cùng những người khác. Quyết định từ chức của bà Truss có thể sẽ chấm dứt tình trạng hỗn loạn của thị trường trái phiếu Anh.
Sáng nay, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hàn Quốc trong tháng 9 đã vượt qua mức 0,2% so với tháng trước, tăng từ mức -0,4% trong tháng 8, cho thấy giá nguyên vật liệu đầu vào tại các nhà máy tăng lên. Cán cân thương mại New Zealand sẽ đến hạn công bố vào sáng nay. Do đồng NZD suy yếu nên điều này đã làm tăng thêm chi phí hàng hóa nhập khẩu vào New Zealand và tình trạng thâm hụt thương mại tại xứ sở kiwi có thể tiếp tục kéo dài trong ngắn hạn. Quốc đảo này đã thâm hụt 2,4 tỷ USD trong tháng 8. Tình trạng thâm hụt ngày càng trầm trọng có thể sẽ đè nặng lên giá trị đồng NZD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Nhật Bản dự kiến sẽ đứng ở mức 3,0% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI Nhật Bản đạt mức 2,8% trong tháng 8. Giống như đồng Dollar New Zealand, đồng Yên suy yếu cũng tạo ra thêm áp lực lạm phát, từ đó càng làm phức tạp thêm các nỗ lực can thiệp tỷ giá tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Đồng Yên đang trên đà suy yếu so với Dollar trong phiên thứ mười hai liên tiếp, thể hiện mạch giảm dài đằng đẵng. Trước tình hình USD/JPY vượt lên trên mốc 150, rất có thể các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản sẽ không ngồi yên chịu trận.
Tỷ giá USD/JPY hiện đã ở trên mức 150 nhưng chỉ nhỉnh hơn một chút. BoJ có thể sẽ quyết định can thiệp tỷ giá xung quanh mức này, nhưng về mặt kỹ thuật, giá có vẻ sẽ thoái lui ngắn hạn. Nói cách khác, USD/JPY có thể sụt giảm tức thời xuống Đường trung bình động hàm mũ (EMA) 9 ngày, mà đường này vốn đã đóng vai trò hỗ trợ hành động giá kể từ hồi tháng 8. Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) hiện đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2022, cho thấy đồng JPY đã bị quá bán dữ dội trong 12 ngày qua.
Biểu đồ hàng ngày USD/JPY
Đăng Khoa – Theo dailyfx.com
Nhận xét bị đóng