Nội dung bài viết
Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản can thiệp tỷ giá bằng cách bán USD/JPY vào tuần trước đã tạo ra những đợt biến động liên tục. Đầu tuần, phe bán Yên Nhật một lần nữa lại đang để mắt đến mốc 145. Các nhà quan sát sẽ theo dõi kỹ nhịp phục hồi trở lại trên mức 145 để xem liệu ngân hàng trung ương này có còn muốn bảo vệ mức giá đó hay không. Động lực thúc đẩy chính là tình trạng phân hóa chính sách tiền tệ Mỹ-Nhật với việc BoJ duy trì lập trường siêu nới lỏng, trong khi Cục Dự trữ Liên bang “nói được làm được” khi tiếp tục tăng lãi suất.
USD/JPY đã đạt mức cao nhất trong 24 năm qua vào tuần trước trước khi BoJ ra tay can thiệp chính thức, khiến tỷ giá lao dốc. Giá vẫn ở trong kênh xu hướng tăng dần và dường như có khả năng sẽ phục hồi lại đà tăng.
Mô hình bộ ba đường trung bình động tăng giá (TMA) cho thấy giá phải nằm trên Đường trung bình động đơn giản (SMA) ngắn hạn, đường SMA ngắn hạn phải nằm trên SMA trung hạn và SMA trung hạn phải trên SMA dài hạn. Tất cả các đường SMA cũng cần phải có chiều dốc hướng lên.
Đường SMA 10 ngày đang ở gần đó và khi giá đột phá rõ ràng lên trên đường này thì sẽ xác nhận rằng các tiêu chí của mô hình TMA đã được đáp ứng.
Mức kháng cự có thể là các đỉnh gần đây tại 144,99 và 145,90. Ngược lại, mức hỗ trợ có thể nằm ở các mức đáy cũ trước đó là 141,50 và 140,35 hoặc điểm phá vỡ 139,39.
Việc giảm giá của các đồng tiền, từ đồng Euro đến đồng Won của Hàn Quốc so với USD, đang “đổ thêm dầu” vào áp lực lạm phát vốn đã gia tăng trên toàn thế giới, buộc nhiều nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu triển khai các công cụ cần thiết.
Ngoài ra, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tiếp tục tăng cường sức mạnh phòng thủ của mình trước đồng USD với các mức cố định ngoại hối mạnh hơn mong đợi.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã đạt mức cao mới trong tuần này sau khi Fed xác nhận sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế.
Đồng bạc xanh ngày càng mạnh đã khiến các nhà hoạch định chính sách của các ngân hàng lớn phải nỗ lực đối phó để giảm thiệt hại.
Đáng chú ý, Mỹ chưa có động thái kiềm chế sự tăng vọt của đồng USD. Sức mạnh của đồng bạc xanh hầu như không được đề cập trong các phiên điều trần quốc hội gần đây với Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Trong khi thực tế, điều chỉnh giảm giá trị đồng USD sẽ rất hữu ích trong việc chống lại áp lực giá tiêu dùng, vì nó làm hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu rẻ hơn đồng thời tạo tiềm năng tăng trưởng.
Vì thế, hiện các nhà hoạch định chính sách toàn cầu có rất ít lựa chọn, ngoài việc tiếp tục bảo vệ đồng tiền của mình hoặc chịu rủi ro kinh tế trên diện rộng.
Hoa Nguyễn – Theo reuters.com
Nhận xét bị đóng