Khép lại phiên giao dịch ngày 24/2, giá dầu tăng trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung đã lấn át sự tăng mạnh của đồng USD và dự trữ dầu của Mỹ. Giá dầu Brent tăng vượt mức 82 USD/thùng.
Giá dầu đảo chiều đi lên do lo ngại thiếu hụt nguồn cung
Trái ngược với xu hướng đi xuống trong ngày hôm trước, giá dầu Brent trong phiên giao dịch ngày 24/2 tăng 1,61 USD, tương đương 2%, lên mức 82,23 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,44 USD, tương đương 2%, lên mức 75,39 USD/thùng.
Những lo ngại về nguồn cung đã góp phần hỗ trợ cho giá dầu đi lên trong phiên ngày hôm nay. Sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 1 đã giảm 49.000 thùng/ngày so với tháng 12.2022, xuống mức 28,88 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Nga dự tính cắt giảm tới 25% sản lượng xuất khẩu dầu mỏ từ các cảng phía Tây trong tháng 3, vượt quá mức cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày đã công bố trước đó.
Ngoài ra, triển vọng tiêu thụ cũng thúc đẩy giá dầu tăng. Các nhà phân tích kỳ vọng nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023.
Bloomberg ước tính, trong năm nay, nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, lên mức khoảng 16 triệu thùng mỗi ngày.
Kim ngạch với mặt hàng dầu nhiên liệu cũng chạm mức cao nhất mọi thời đại
Lượng xuất khẩu tổng thể gồm dầu thô và dầu nhiên liệu trong tháng 1 từ Nga sang Trung Quốc đạt mức 1,66 triệu thùng/ngày, cao hơn kỷ lục trước đó hồi tháng 4/2020.
Kim ngạch với mặt hàng dầu nhiên liệu cũng chạm mức cao nhất mọi thời đại. Theo đó, xuất khẩu dầu nhiên liệu của Nga sang Trung Quốc trong tháng 1 đạt 142.000 thùng/ngày.
Xu hướng này diễn ra khi Trung Quốc – nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới tái mở cửa nền kinh tế, trong khi Nga đang chuyển hướng dòng xuất khẩu sang các thị trường châu Á, với lợi thế là mức giá rẻ hơn so với các mặt hàng dầu tiêu chuẩn quốc tế.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tăng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023, trên cơ sở nhu cầu của Trung Quốc tăng.
Do bị phương Tây “tẩy chay”, nhất là sau khi lệnh cấm vận dầu Nga vận chuyển bằng đường biển chính thức được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng từ đầu tháng 12/2022 kèm theo một trần giá dầu Nga do nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra, Nga đã phải chào giá bán dầu với mức chiết khẩu (discount) lớn so với giá dầu Brent – giá tiêu chuẩn của thị trường dầu toàn cầu – để thu hút khách mua.
Các nhà giao dịch tiết lộ với Reuters cho biết, giá dầu Urals và Epso của Nga gần đây được chào bán với giá thấp hơn tương ứng 13 USD/thùng và 8 USD/thùng so với giá dầu Brent tính ở mốc giao hàng.
Hoa Nguyễn – Theo reuters.com
Nhận xét bị đóng