https://danhgiasan.info/wp-content/uploads/2021/10/Logo-e1677570866539.png
Giá dầu phục hồi sau phiên giảm mạnh ngày 18/8

Giá dầu phục hồi sau phiên giảm mạnh ngày 18/8

Đăng bởi danhgiasancc | 19/08/2022

Trong phiên giao dịch ngày 19 tháng 8, giá dầu tăng cao hơn vào đầu phiên giao dịch, khi giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu mạnh. Thêm vào đó, kho dự trữ của Mỹ sụt giảm mạnh hơn dự kiến cũng đã phần nào gạt bỏ lo lắng về sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

acx - oil - 22819

Dầu thô Brent giao sau tăng 7xu, tương đương 0,1%, lên 96,66 USD / thùng vào lúc 07h30 giờ Việt Nam sau khi tăng 3,1% vào thứ Năm. Dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 90,65 USD / thùng, tăng 15 xu, tương đương 0,2%, sau khi tăng 2,7% trong phiên trước đó.

Tuy nhiên, các hợp đồng dầu chuẩn vẫn đang chịu mức lỗ hàng tuần khoảng 1,5%.

Satoru Yoshida, chuyên gia phân tích hàng hóa của Rakuten Securities cho biết: “Thị trường dầu phục hồi sau khi dữ liệu hàng tuần của Mỹ lạc quan hơn. Điều này giúp nhu cầu cải thiện trong ngắn hạn. Nhưng lo ngại về suy thoái kéo dài và việc OPEC+ tăng sản lượng có thể sẽ hạn chế đà tăng.”

Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh khi quốc gia này xuất khẩu kỷ lục 5 triệu thùng dầu/ngày trong tuần gần đây nhất. Hiện các công ty dầu mỏ đã nhìn thấy nhu cầu tại châu Âu tăng lên do đang tìm cách thay thế dầu thô từ Nga.

Dự trữ dầu thô của Mỹ (USOILC = ECI) đã giảm 7,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 12/8, so với kỳ vọng giảm 275.000 thùng trước đó, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Ước tính các nhà máy lọc dầu của Mỹ có kế hoạch tiếp tục hoạt động gần hết công suất trong quý này khi lo lắng về suy thoái kinh tế giảm bớt và giá bán lẻ nhiên liệu hạ nhiệt.

Doanh thu từ nhiên liệu của Nga tăng vọt

Khối lượng xuất khẩu dầu cao hơn, cùng với giá khí đốt tăng cao là những động lực khiến Nga đạt doanh thu cao hơn từ nhiên liệu. Xuất khẩu năng lượng của Nga  đã tăng lên 337,5 tỷ USD trong năm nay, tăng 38% vào năm 2021.

Mức doanh thu tăng vọt này sẽ giúp củng cố nền kinh tế Nga trước làn sóng trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự bùng nổ về doanh thu từ năng lượng chỉ bù đắp một phần thiệt hại do các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt trên nhiều lĩnh vực khác.

Janis Kluge, chuyên viên cấp cao tại Viện Quốc tế Đức cho biết: “Tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là rất không đồng đều. Trong một số lĩnh vực như công nghiệp xe hơi hay an ninh thì hệ quả rất thảm khốc.

Ngoài ra, CNTT và tài chính cũng là hai trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những lĩnh vực này có mối liên hệ chặt chẽ nhất với phương Tây nên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.”

Thống kê dự báo thu nhập từ xuất khẩu năng lượng sẽ giảm xuống còn 255,8 tỷ USD trong năm tới, nhưng vẫn cao hơn con số 244,2 tỷ USD của năm 2021.

Theo dự báo, giá xuất khẩu khí đốt trung bình sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm nay lên 730 USD / 1.000 mét khối, trước khi giảm dần cho đến cuối năm 2025.

Dòng chảy khí đốt từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu của châu Âu, đang ở mức giảm trong năm nay sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Một số nước châu Âu bị cắt điện do từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Thêm vào đó hoạt động của đường ống Nord Stream 1 từ Nga sang Đức cũng giảm mạnh.

Những tác động này khiến giá xăng đã tăng cao, đẩy người tiêu dùng châu Âu phải đối mặt với mối đe dọa về việc đảm bảo năng lượng trong mùa đông này trong bối cảnh lạm phát cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.

Bộ Kinh tế hiện dự báo khối lượng khí đốt từ nhà xuất khẩu Nga Gazprom (GAZP.MM) sẽ giảm xuống 170,4 tỷ mét khối (bcm) trong năm nay, so với dự báo được công bố vào tháng 5 là 185 bcm và so với 205,6 bcm được xuất khẩu vào năm 2021.

Nga đã bắt đầu tăng dần sản lượng khai thác dầu của mình sau các lệnh cấm vận liên quan đến các lệnh trừng phạt do đơn hàng từ châu Á tăng lên. Nhu cầu tăng khiến Moscow phải nâng dự báo về sản lượng và xuất khẩu cho đến cuối năm 2025.

Gazprom cũng cho biết nguồn cung khí đốt sang Trung Quốc cũng tăng. Tuy nhiên, châu Âu cho đến nay vẫn là thị trường lớn hơn đối với khí đốt của Nga.

Nhìn chung, nền kinh tế Nga cũng gặp khó khăn khi phải chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây, vậy nhưng bù lại các hợp đồng nhiên liệu mang lại hiệu quả cao hơn đã hỗ trợ phần nào cho quốc gia này.

Giới phân tích dự báo, kinh tế Nga đang trên đà suy giảm hơn 12%, đây sẽ là mức giảm sản lượng kinh tế lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ và dẫn đến khủng hoảng vào giữa những năm 1990.

Dự kiến ​​GDP của Nga sẽ giảm 4,2% trong năm nay và thu nhập khả dụng thực tế giảm 2,8%.

Mỹ ưu tiên năng lượng sạch

Cũng liên quan tới vấn đề tìm kiếm nguồn năng lượng sạch, thay thế nhiên liệu hóa thạch, ngày 18 tháng 8, Mỹ đã mở rộng tín dụng thuế cho các công ty thu và lưu trữ khí thải carbon theo luật chống biến đổi khí hậu mới của Tổng thống Joe Biden. Đây có thể là một lợi ích cho ngành công nghiệp ethanol để đáp ứng các mục tiêu bảo vệ môi trường.

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) do tổng thống Biden ký hôm thứ Ba đã mở rộng đáng kể các khoản tín dụng thuế cho các dự án công nghiệp thu được khí thải carbon dioxide – CO2, loại khí chính gây ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Thêm vào đó các doanh nghiệp này còn được ưu tiên lưu trữ CO2 dưới lòng đất hoặc sử dụng nó trong việc sản xuất các sản phẩm khác.

Ngành công nghiệp hy vọng sẽ sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), được hỗ trợ bởi mạng lưới đường ống vận chuyển carbon trên khắp vùng Trung Tây, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Công nghệ này có thể giúp các nhà sản xuất ethanol định vị sản phẩm của họ như một loại nhiên liệu xanh – sạch trong bối cảnh đẩy mạnh điện khí hóa.

Geoff Cooper, chủ tịch và giám đốc điều hành của nhóm thương mại ethanol, Hiệp hội nhiên liệu tái tạo, cho biết IRA là “cam kết quan trọng nhất của liên bang đối với nhiên liệu sinh học carbon thấp kể từ khi Tiêu chuẩn nhiên liệu tái tạo được mở rộng cách đây 15 năm”.

Hoa Nguyễn – Theo reuters.com

TAGS:

Chia sẻ:

Nhận xét bị đóng

Chia sẻ: