Nội dung bài viết
Cổ phiếu tăng trưởng như Amazon là một mã đầu tư rất đáng mua trong tháng 9.
Chia tách cổ phiếu vốn là một chủ đề nóng sốt trong năm nay. Trong bối cảnh thị trường suy thoái do nguy cơ bất ổn kinh tế, các nhà đầu tư đang rất khát tin tức tốt và sự kiện phân tách cổ phiếu hiển nhiên là một tín hiệu tích cực. Doanh nghiệp chỉ quyết định chia tách sau khi giá cổ phiếu đã tăng đáng kể, và đó thường là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp về cơ bản đã phát triển mạnh mẽ.
Dựa trên điều đó, nhà phân tích John Blackledge của Cowen & Co. đã nâng mức giá mục tiêu cho Amazon (AMZN, 2,66%) lên mức 215 USD vào cuối tháng 7, khoảng hai tháng sau khi công ty hoàn thành đợt chia tách cổ phiếu 1 thành 20. Con số đó ngụ ý AMZN có khả năng tăng 112% so với mức thấp nhất trong 52 tuần qua và tăng 70% so với mức giá hiện tại.
Amazon đã phải vật lộn với bài toán gia tăng chi phí trong năm nay và “làn gió ngược” đó càng lúc càng lớn hơn khi người tiêu dùng tiết chế mua sắm các sản phẩm không thiết yếu để đối phó với tình trạng lạm phát. Kết quả là, Amazon đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại về mức một con số và tập đoàn này cũng đã báo lỗ trong quý đầu tiên và quý thứ hai, trên cơ sở GAAP. Tuy vậy, tiềm năng đầu tư dài hạn của Amazon vẫn còn hứa hẹn, và với việc cổ phiếu này đang được giao dịch ở mức giá gấp 2,6 lần doanh số, một món hời so với mức trung bình 3,8 lần trong 5 năm qua, AMZN vẫn rất đáng mua dù đã chia tách cổ phiếu.
Vậy lý do đằng sau là gì?
Theo eMarketer, doanh số thương mại điện tử toàn cầu dự kiến sẽ tăng 10,6% mỗi năm, đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025 và Amazon có vị thế tốt hơn so với đại đa số các công ty cùng ngành để hưởng lợi từ xu hướng đó. Họ đang vận hành thị trường trực tuyến phổ biến nhất trên thế giới, với số lượng khách truy cập hàng tháng cao gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh gần nhất. Và tập đoàn này chiếm hơn 40% doanh số thương mại điện tử bán lẻ ở thị trường Mỹ vào năm ngoái, nhiều hơn 14 đối thủ cạnh tranh tiếp theo cộng lại.
Vị thế thống trị đó bắt nguồn từ uy tín và quy mô thương hiệu. Thương hiệu Amazon luôn đi đôi với sự tiện lợi và chương trình thành viên Prime của họ, trong đó chuyên cung cấp các dịch vụ tiện lợi như giao hàng miễn phí và cấp quyền truy cập vào nội dung phát trực tuyến cao cấp, tạo cảm giác rất “đáng đồng tiền bát gạo” cho người tiêu dùng. Trong khi đó, mạng lưới hậu cần rộng lớn của họ giúp cho công đoạn hoàn thiện đơn hàng của các tiểu thương trở nên dễ dàng hơn nhiều, qua đó tăng thêm hiệu ứng lan truyền trên chính sân chơi của Amazon.
Trong tương lai, những lợi thế cạnh tranh đó sẽ giúp các hoạt động kinh doanh bán lẻ của Amazon tiếp tục phát triển bền vững.
Doanh số của ngành điện toán đám mây dự kiến sẽ tăng 15,7% mỗi năm lên 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2030, theo Grand View Research và Amazon có vị thế tốt để kiếm được nhiều tiền từ cơ hội đó. Trong quý thứ hai, Amazon Web Services (AWS) đã chiếm 34% thị phần trong thị trường dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây, tăng từ mức 31% trong năm trước. Để so sánh, AWS nắm giữ nhiều thị phần hơn cả Microsoft Azure và Google Cloud của Alphabet cộng lại.
Quan trọng hơn, AWS rất khó có thể mất vị trí dẫn đầu này. Công ty nghiên cứu Gartner một lần nữa đã công nhận AWS là công ty dẫn đầu về cơ sở hạ tầng và dịch vụ nền tảng đám mây vào năm ngoái, lưu ý rằng họ “thu hút đông đảo người dùng nhiều hơn” so với bất kỳ nhà cung cấp nào khác nhờ có vị thế tiên phong về xu hướng đổi mới. Dựa trên điều đó, AWS cung cấp nhiều dịch vụ (và nhiều tính năng hơn trong các dịch vụ đó) hơn bất kỳ công ty điện toán đám mây nào khác và dữ liệu từ Okta cho thấy AWS có số lượng khách hàng nhiều gấp sáu lần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là Microsoft Azure.
Điều đó có ý nghĩa lớn đối với Amazon về lâu dài. Mảng kinh doanh điện toán đám mây của họ luôn đạt mức tỷ suất lợi nhuận hoạt động khoảng 30%, trong khi các mảng còn lại hiếm khi đạt được tỷ suất lợi nhuận hoạt động trên 5%. Điều đó có nghĩa là Amazon sẽ ngày càng kiếm tiền nhiều và hiệu quả hơn vì AWS chiếm tỷ lệ lớn hơn trong tổng doanh thu.
Theo eMarketer, mức chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số tại thị trường Mỹ sẽ tăng 10,5% mỗi năm lên 315 tỷ USD vào năm 2026 và Amazon đang tăng trưởng nhanh chóng. Thị trường và nền tảng Fire TV của Amazon đã trở thành những trung tâm tiếp thị rất có giá trị cho các thương hiệu, đơn giản là vì chúng quá phổ biến với người tiêu dùng. Kết quả là, Amazon đã chiếm 11,6% chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số ở Mỹ vào năm 2021, tăng từ mức 7,8% vào năm 2019. Và eMarketer cho biết con số đó có thể đạt mức 14,6% vào năm 2023.
Các động lực dài hạn ở mảng này cũng tương tự như trong mảng điện toán đám mây. Amazon không tiết lộ tỷ suất lợi nhuận hoạt động kinh doanh quảng cáo, nhưng các mảng kinh doanh quảng cáo của Google vốn dĩ đạt được tỷ suất lợi nhuận hoạt động là 39% trong quý gần đây nhất, vì vậy hoạt động kinh doanh quảng cáo của Amazon có thể sẽ ở đâu đó trong phạm vi đó dựa trên quy mô. Điều đó có nghĩa là tập đoàn này đã sẵn sàng kiếm tiền quảng cáo hơn trong những năm tới.
Tóm lại, Amazon được hưởng lợi từ vị thế cạnh tranh mạnh mẽ trong ba thị trường tăng trưởng cao, hai trong số đó sẽ đẩy nhanh tổng lợi nhuận và với việc cổ phiếu AMZN đang được giao dịch ở mức chiết khấu khá lớn so với mức định giá trước đây, cho nên bây giờ là thời điểm tuyệt vời để nhà đầu tư mua cổ phiếu tăng trưởng này.
Đăng Khoa – Theo fool.com
Nhận xét bị đóng